Site banner
Chủ nhật, 24. Tháng 11 2024 - 11:27

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11)

Từ nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược, thống trị nước ta, biến nước ta thành thuộc địa nửa phong kiến. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn thống trị, áp bức, bóc lột hết sức tàn bạo và tìm mọi cách để đàn áp, dập tắt phong trào yêu nước, cách mạng của nhân dân ta. Các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp nổ ra liên tiếp từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX nhưng lần lượt bị thất bại vì thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức vững mạnh, thiếu lực lượng tiên phong. Với khát vọng giải phóng dân tộc, ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài tìm đường cứu nước, sau bao năm đi đến nhiều nước trên thế giới, nghiên cứu nhiều học thuyết, nhiều cuộc cách mạng. Cuối cùng, Người tìm được và quyết định đưa dân tộc Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 của Lênin.

Ảnh kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam – ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2023)

Ngày 03/2/1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản. Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo 1930- 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ -Tĩnh đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế Đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó tới nay, tuy có những hình thức và tên gọi khách nhau cho phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng như: Hội phản đế liên minh được thành lập từ (3/1935-10/1936); Mặt trận Thống nhất nhân dân Phản đế Đông Dương (10/1936-3/1938);  Mặt trận Dân chủ Đông Dương (3/1938-11/1940); Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế (11/1940-5/1941); Mặt trận Việt Minh (thành lập từ tháng 5/1941),… nhưng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam luôn là nơi tập hợp các giai tầng xã hội vì mục tiêu lớn của dân tộc. 

           Có thể nói, sự đóng góp to lớn của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là những chặn đường lịch sử vẻ vang mà đỉnh cao là thời kỳ đấu tranh giành chính quyền cách mạng giai đoạn 1930- 1935. Trong các giai đoạn này, mặc dù trải qua 6 lần thay đổi tên gọi khác nhau cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng hiện tại, Mặt trận Dân tộc thống nhất không ngừng mở rộng và tăng cường, góp phần to lớn cho sự thành công của cách mạng mà đỉnh cao là ngày 02/9/1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

         Cách mạng đã chuyển sang một giai đoạn mới đó là thời kỳ bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám, tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1946 - 1975). Mặt trận Việt Minh tăng cường đoàn kết toàn dân góp phần bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng. Nhất là sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt. Để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù và tay sai, nhiệm vụ củng cố và phát triển Việt Minh được đề ra cụ thể; việc phát triển các tổ chức cứu quốc thống nhất trong cả nước trở thành vấn đề cần kíp. Trước sự hoạt động ráo riết của các loại kẻ thù, Đảng ta chuyển vào hoạt động bí mật; từ đó vai trò của Việt Minh trong đời sống chính trị của đất nước ngày càng được đề cao, ngày càng thu nhận thêm những thành viên mới, góp phần ngăn chặn và phân hóa hàng ngũ các đảng phái chính trị phản động bám gót quân Tưởng, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào sản xuất cứu đói, tuần lễ vàng, hũ gạo tiết kiệm… Nhờ những hoạt động có hiệu quả của Việt Minh đã đóng góp to lớn đưa cuộc kháng chiến chống pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Qua 9 năm kháng chiến, Mặt trận Liên Việt trở thành “…Một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến, kiến quốc; là cơ sở quần chúng rộng rãi làm thành một áo giáp vững bền của Đảng để đánh thắng bọn xâm lược và tay sai của chúng”. Ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra sức vận động các tầng lớp nhân dân, tham gia khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa thực sự là cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Có thể khẳng định, từ khi ra đời, Mặt trận đã làm một phần chức năng của chính quyền dân chủ nhân dân. Sau khi có Chính phủ cách mạng lâm thời, Mặt trận giữ vai trò trụ cột và làm hậu thuẫn cho chính quyền cách mạng, không ngừng đẩy mạnh hoạt động trên cả ba mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuyển sang thời kỳ đổi mới giai đoạn từ ngày 31/01- 04/2/1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ năm 1977 đến nay đã trải qua 9 lần Đại hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của nhân dân, tiêu biểu cho truyền thống đoàn kết dân tộc, là biểu tượng về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, là trí tuệ, sức mạnh không gì lay chuyển nổi của các thế hệ người Việt Nam yêu nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Ảnh Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ấp An Hoà, xã An Nhơn

Hướng tới kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam- Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2023), chúng ta càng tự hào về truyền thống yêu nước, vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, kế thừa và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nhân tố cơ bản để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; riêng xã An Nhơn phấn đấu xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.

Thành công, thành công, đại thành công”.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã An Nhơn