Site banner
Chủ nhật, 24. Tháng 11 2024 - 11:53

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2023, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Ảnh minh họa

Bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách là các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự (gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) tại địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là địa bàn cơ sở). Với vị trí, chức năng quan trọng làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và là hạt nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở, thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, nên trong suốt quá trình hình thành và phát triển từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở luôn được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Công an, sự giúp đỡ, cộng tác, phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; từ đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày càng được củng cố, kiện toàn và đã có những đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Trong điều kiện đó, việc đề nghị xây dựng, thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết với những lý do sau đây:

Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong các văn bản chỉ đạo của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.

Hai là, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xây dựng hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ba là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Bốn là, sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, chức danh, mối quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Năm là, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã; bảo đảm cơ sở để bãi bỏ Pháp lệnh Công an xã khi đã hoàn thành việc bố trí Công an xã chính quy.

*Những nội dung mới của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 Chương, 33 Điều. Theo đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thành lập trên cơ sở thống nhất 3 lực lượng, gồm bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Lực lượng được bố trí ở thôn, tổ dân phố; do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an xã, giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Luật mới quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành lực lượng này. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến 70 tuổi có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên… được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng. Trường hợp trên 70 tuổi bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch UBND xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của công an xã. Lực lượng này được bảo đảm kinh phí hoạt động, trang bị công cụ hỗ trợ; có trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quy định việc cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Luật cũng quy định người tham gia được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND tỉnh quyết định… Trường hợp bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Việc chi trả cho lực lượng này do ngân sách nhà nước đảm nhiệm. Trong đó, nhiệm vụ chi của Bộ Công an do ngân sách Trung ương bảo đảm; nhiệm vụ chi của địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm theo quyết định của HĐND các cấp.

Văn Giáp