Site banner
Chủ nhật, 24. Tháng 11 2024 - 12:06

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Những điểm mới quan trọng của Luật Căn cước người dân cần nên biết

Ngày 27/11/2023, Quốc hội khoá XV đã chính thức thông qua Luật Căn cước và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo đó, Luật Căn cước có những điểm mới sau đây, người dân cần quan tâm và chủ động thực hiện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người dân:

Ảnh minh họa mặt trước của mẫu Căn cước mới

Thứ nhất, chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân (CCCD) sang thẻ Căn cước. Quốc hội cũng thống nhất đổi tên thẻ CCCD thành thẻ Căn cước. Tài khoản 1 và khoản 9 Điều 3 Luật Căn cước định nghĩa như sau: “Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng và sinh trắc học của một người; Thẻ Căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này”.

Như vậy, đây là điểm mới của Luật Căn cước từ 01/7/2024 quan trọng nhất của Luật Căn cước so với quy định cũ. Theo đó, căn cước là giấy tờ tùy thân chứa các thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng và sinh trắc học của một người gồm: Ảnh khuôn mặt; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh/Nơi sinh; Quốc tịch; Nơi cư trú; Ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng.

Thứ hai, khi đổi thẻ CCCD sang cách gọi mới là thẻ Căn cước thì câu hỏi đặt ra là liệu người dân có phải đi đổi từ thẻ CCCD sang thẻ Căn cước không? Để trả lời vấn đề này, Điều 46 Luật Căn cước nêu rõ: “Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, được cấp đổi sang thẻ Căn cước khi công dân có yêu cầu”.

Theo đó, Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và thay thế cho Luật Căn cước công dân. Do vậy: Người dân đang có thẻ CCCD cấp trước ngày 01/7/2024 không phải đổi sang thẻ Căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ. Người dân đang có thẻ CCCD nếu muốn đổi sang thẻ Căn cước mới thì sẽ được thực hiện thay đổi.

Thứ ba sẽ “khai tử” Chứng minh nhân dân từ 01/01/2025. Bên cạnh quy định về thời hạn sử dụng thẻ CCCD thì khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước cũng có thông tin về giá trị sử dụng của Chứng minh nhân dân. Cụ thể: “Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ CCCD vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.”

Vậy là, các loại giấy Chứng minh nhân dân đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024 dù còn hạn sử dụng hay đã hết hạn sử dụng. Đây là một trong những thay đổi quan trọng, là điểm mới của Luật Căn cước từ 01/7/2024 so với khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân năm 2014. Trước đây, quy định cũ nêu rõ, Chứng minh nhân dân đã cấp vẫn được sử dụng cho đến hết thời hạn 15 năm hoặc khi công dân yêu cầu đổi sang thẻ Căn cước công dân. Theo quy định mới, mọi Chứng minh nhân dân đều phải thực hiện việc đổi sang thẻ Căn cước từ ngày 01/01/2025 tới đây.

Thứ tư, bỏ quê quán và vân tay trên thẻ Căn cước. So với hình thẻ CCCD, theo quy định mới của Luật Căn cước thì thẻ Căn cước đã bỏ mục quê quán thay vào đó là nơi đăng ký khai sinh hoặc nơi sinh; và nơi cư trú; bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng.

Thứ năm, cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi từ 01/7/2024. Hiện nay chỉ cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, từ 01/7/2024, khi Luật Căn cước có hiệu lực thì người được cấp thẻ Căn cước là: Công dân Việt Nam. Độ tuổi: Từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải làm thủ tục cấp thẻ Căn cước; công dân dưới 14 tuổi nếu có nhu cầu thì thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước.

Thứ sáu, bổ sung giấy chứng nhận căn cước. Đây là điểm mới hoàn toàn so với quy định cũ tại Luật CCCD. Theo đó, giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ được giải thích tại khoản 10 Điều 3 Luật Căn cước như sau: “Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này”.

Thứ bảy, công dân sẽ có Căn cước điện tử. Một trong những nội dung đáng chú ý khác của điểm mới Luật Căn cước là bổ sung Căn cước điện tử. Theo đó, Điều 31 Luật Căn cước nêu rõ, mỗi công dân sẽ chỉ có 01 Căn cước điện tử. Đây là Căn cước được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử. Sau khi đã có Căn cước điện tử, công dân có thể thực hiện tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước thông qua việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước hoặc ứng dụng VNeID.

Thứ tám, cung cấp thông tin mống mắt khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước. Tại Điều 15 Luật Căn cước quy định thông tin sinh trắc học được thu thập vào Cơ sở dữ liệu căn cước gồm: ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, AND, giọng nói.

Luật Căn cước là một trong những dự án luật quan trọng do Bộ Công an chủ trì được Quốc hội xem xét thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu trong việc đổi mới, quản lý dân cư, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân và phát triển chuyển đổi số quốc gia.

Để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, nhất là trong giải quyết các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính, Công an xã đề nghị người dân chưa làm Căn cước công dân khẩn trương đến các điểm làm Căn cước công dân để làm Căn cước, đồng thời liên hệ, điện thoại cho người thân đi làm ăn xa, vắng địa phương hiện chưa làm Căn cước công dân thì khẩn trương đi làm Căn cước.

Văn Giáp