Site banner
Chủ nhật, 10. Tháng 11 2024 - 0:14

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Phòng tránh bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm, có khả năng bùng phát thành dịch. Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Tại tỉnh Bến Tre, tính từ đầu năm đến ngày 26/6/2024 toàn tỉnh đã ghi nhận 28 ca sốt phát ban nghi sởi xuất hiện tại 20 xã/phường, trong đó có 17 ca dương tính với vi rút sởi. Các ca có độ tuổi từ 3 tháng đến 32 tuổi. Trên 90% trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi chưa được tiêm vắc xin sởi. Tại Thạnh Phú từ đầu năm tới nay có 5 ca (01 ca là người lớn).

(Hình ảnh minh họa bệnh sởi trên trẻ em)

  1. Đường lây truyền     

Bệnh sởi chủ yếu lây truyền bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Đôi khi có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao, tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi khi tiếp xúc với mầm bệnh đều có khả năng mắc bệnh sởi. Chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh sởi trong cộng đồng khi tỷ lệ tiêm phòng sởi ở trẻ em đạt được > 95% .

  1. Triệu chứng

Giai đoạn ủ bệnh sởi thường kéo dài khoảng 2 - 3 tuần. Giai đoạn ủ bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng nên dễ bị nhầm với nhiều loại bệnh lý thông thường khác. Bệnh sởi khởi phát thường có những triệu chứng như: Sốt, ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp, sau đó phát ban da theo thứ tự sau tai => mặt => ngực lưng  => tay => bụng => chân.

  1. Biến chứng

Có khoảng 40% các trường hợp bệnh nhân bị biến chứng do sởi. Các trường hợp này thường phổ biến hơn ở bệnh nhi dưới 5 tuổi, đối tượng bị suy dinh dưỡng hoặc có hệ miễn dịch yếu. Trong đó, những bệnh nhi dưới 5 tuổi có tỷ lệ tử vong khá cao. 

Biến chứng nguy hiểm: Viêm tai giữa cấp, viêm phổi nặng, viêm não, tiêu chảy, bị mờ hoặc loét giác mạc, nhiều trường hợp có thể bị mù vĩnh viễn, bị suy dinh dưỡng nặng đối với các trường hợp bệnh nhi hậu nhiễm sởi, có thể tác động xấu đến sức khỏe cũng như quá trình phát triển của các bé. Phụ nữ có thai mắc sởi có nguy cơ bị sảy thai, trẻ bị sinh non hoặc em bé sơ sinh có nguy cơ nhẹ cân hơn thông thường.

  1. Biện pháp phòng

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Trẻ em cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.

Cùng với tiêm vắc xin, cần lưu ý vệ sinh cá nhân và môi trường sống thật sạch sẽ: Luôn rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh mũi với dung dịch chuyên dụng hoặc nước muối sinh lý thường xuyên để loại trừ vi khuẩn. Hạn chế đến những nơi đông người khi đến mùa sởi để tránh nguy cơ bị lây nhiễm chéo. Không tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh hoặc có dấu hiệu bị sởi.

Khi mắc bệnh sởi trẻ em cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ để tránh mắc bệnh kèm theo do suy giảm miễn dịch như viêm phổi, tiêu chảy... Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho, chảy nước mũi.

Vì sức khỏe của con em chúng ta rất mong các bậc cha mẹ quan tâm thực hiện tốt việc phòng bệnh.

Trạm Y tế xã An Nhơn