Khoáng sản là loại tài nguyên hữu hạn và hầu hết không được tái tạo nên cần phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, trên địa bàn xã An Nhơn, tài nguyên khoáng sản chủ yếu là đất trên các vuông nuôi tôm, cát sông và đất bùn trong lòng các vuông tôm.
Ảnh minh hoạ: Phương tiện khai thác đất dính trên vuông nuôi tôm
Hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm, nhu cầu xây dựng nhà ở, cơ sở kinh doanh, buôn bán của người dân ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng khan hiếm đất, cát. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức trữ lượng đất, cát ở một số địa phương sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên, cụ thể:
- Xói lở lòng sông và bờ sông: Khi lấy cát vượt quá lượng cát từ thượng nguồn chuyển về, xuất hiện xói lòng sông hoặc lở bờ, hay cả hai hiện tượng xảy ra cùng lúc. Lòng sông hạ thấp đến mức nào đó, mái bờ sông bị mất chân sẽ sụp đổ, mặt cắt lòng sông mở rộng ra. Thường khai thác cát trái phép, không rải đều, mà tập trung vào một số điểm thuận tiện vận chuyển, dễ qua mắt lực lượng chức năng, do đó gây sạt lở mạnh bờ sông.
- Ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng nước: Lòng sông bị hạ thấp, mực nước sông mùa kiệt bị hạ thấp theo. Lượng nước ngầm và độ ẩm của đất ven sông giảm, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, việc khai thác quá mức trữ lượng cát của các tuyến sông còn gây gây ra hiện tượng xâm nhập mặn.
Để quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản, nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định đối với các hoạt động này. Các trường hợp khai thác, vận chuyển, mua bán đất và cát lòng sông không đảm bảo đúng quy định về thủ tục, hợp đồng, về hóa đơn, chứng từ hợp pháp thì xem như toàn bộ khối lượng đất, cát bị kiểm tra không có nguồn gốc hợp pháp, cơ quan có thẩm quyền xử lý từng hành vi cụ thể theo quy định của pháp luật, bao gồm:
- Hành vi khai thác đất, cát trái phép xử lý theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Căn cứ Khoản 1, Điều 47 của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP vi phạm về khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cụ thể như sau:
a. Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác đến dưới 10 m3;
b. Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 10 m3 đến dưới 15 m3;
c. Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 15 m3 đến dưới 20 m3;
d. Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 20 m3 đến dưới 30 m3;
đ. Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 30 m3 đến dưới 40 m3;
e. Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 40 m3 đến dưới 50 m3;
g. Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 50 m3 trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;
h. Từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản là cát, sỏi lòng sông đã khai thác từ 50 m3 trở lên.
- Trường hợp tái phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
- Hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn xử lý theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
- Hành vi trốn thuế, gian lận thuế xử lý theo quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; Điều 13 Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính thuế.
- Hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ cát không có nguồn gốc hợp pháp xử lý theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ.