Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một chương lịch sử vô cùng vẻ vang, oanh liệt của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến đầy gian lao và anh dũng đó ở miền Nam, dưới sự dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do Trung ương Cục miền Nam trực tiếp lãnh đạo, tỉnh Bến Tre đã vinh dự được Bộ Chỉ huy Miền quyết định tặng thưởng cờ danh dự mang 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.
Cờ danh dự mang 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.
Truyền thống anh dũng Đồng khởi được kết tinh từ cội nguồn đoàn kết yêu nước của dân tộc Việt Nam kết hợp với đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn của Đảng và sự vận dụng lãnh đạo đầy linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ, quân và dân Bến Tre đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Anh dũng Đồng Khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”, góp phần cùng toàn miền Nam và cả nước đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bến Tre là vùng đất có lịch sử hình thành sớm ở Nam Bộ; ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược, phong trào đấu tranh vũ trang ở Bến Tre diễn ra mạnh mẽ; từ năm 1930 sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và sự ra đời của Chi bộ đầu tiên tháng 4 năm 1930 ở Bến Tre, sau đó đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh của nhân dân Bến Tre. Trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, nhân dân Bến Tre đã dũng cảm đứng lên khởi nghĩa dưới là cờ đỏ sao vàng, Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 diễn ra với sức mạnh quật khởi, lực lượng quần chúng khởi nghĩa làm cho quân Nhật và tay sai hoàn toàn tê liệt, không dám chống cự, xin bàn giao chính quyền cho cách mạng.
Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian lao và anh dũng, nhân dân Bến Tre đã vùng lên với ý chí quyết chiến, quyết thắng, đập vỡ từng mảng hệ thống đồn bốt dày đặc của địch, phá vỡ và làm tan rã bộ máy nguỵ quyền cơ sở, mở rộng vùng giải phóng; phối hợp nhịp nhàng cùng với chiến trường cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ (ngày 20/7/1954) về đình chỉ chiến tranh ở Việt Nam.
Mặc dù hiệp định Giơnevơ đã được ký kết nhưng với mưu đồ đã dự tính từ trước, đế quốc Mỹ bộc lộ sự can thiệp trắng trợn, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta. Chính quyền Mỹ- Diệm tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng, diệt cộng”, đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu. Trước tình hình vô cùng khó khăn và cấp bách đó, nhằm chuyển tình thế cách mạng, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã đề ra chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Quán triệt và vận dụng Nghị quyết 15, Tỉnh ủy đã phát động và lãnh đạo quần chúng đồng lòng, đồng loạt trên địa bàn tỉnh, với ba ngòi nổ được chọn làm điểm là Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp huyện Mỏ Cày làm nên cuộc Đồng Khởi vào ngày 17/01/1960, sau đó lan rộng ra toàn tỉnh; từ đó làn sóng “Đồng khởi” như nước vỡ bờ lan ra toàn tỉnh Bến Tre và khắp các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ.
Trước cao trào của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày 17/7/1966 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Dù Mỹ trực tiếp đưa vào miền Nam bao nhiêu vạn quân, dù phải chiến đấu 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến thắng đợi hoàn toàn”, Người nêu chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và phong trào thi đua “Quyết thắng giặc Mỹ”, Đảng bộ Bến Tre đã phát động phong trào toàn dân đánh giặc. Phát huy từ thắng lợi Đồng khởi, quân dân Bến Tre tiếp tục tiến công 3 mặt, 3 mũi giáp công, đánh bại các cuộc càn quét lớn của địch. Những thắng lợi này đã tạo điều kiện cho tỉnh xây dựng và phát triển lực lượng chuẩn bị cho Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 và tiếp theo.
Theo chủ trương chung của Đảng, quyết tâm của Tỉnh ủy trong đợt tổng tiến công Xuân Mậu Thân là: “Đập nát đầu não và lực lượng then chốt của địch tại Thị xã, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng vùng giải phóng xông vào làm nòng cốt cùng đồng bào Thị xã nổi dậy giải phóng Thị xã, phát triển giải phóng các thị trấn và toàn tỉnh...”.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 ở tỉnh Bến Tre diễn ra trên diện rộng. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quả cảm cùng toàn miền Nam, quân và dân Bến Tre đã dán một đòn bất ngờ, chí tử vào sào huyệt của chính quyền Mỹ- nguỵ ở Kiến Hòa. Sau 8 tháng triển khai được Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, quân và dân Bến Tre đã giành thắng lợi to lớn, gây chấn động dư luận không chỉ trong nước mà cả dư luận thế giới.
Tại hội nghị du kích chiến tranh toàn miền Nam lần thứ Tư, Bến Tre được chọn là một trong ba ngọn cờ đầu của phong trào du kích chiến tranh và được Bộ Chỉ huy Miền quyết định tặng thưởng cờ danh dự mang dòng chữ “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt Ngụy”. Đó là niềm tự hào, động viên, cổ vũ cho quân dân Bến Tre thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, quân, dân Bến Tre cùng toàn miền Nam bước vào trận chiến Tổng tiến công và nổi dậy làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng cả nước đi lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sau ngày hòa bình lập lại, Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà đã vận dụng, phát huy tinh thần Đồng khởi trong chiến tranh, phát động phong trào “Đồng khởi mới” liên tục từ năm 1977 đến nay, vượt qua bao khó khăn, thử thách, vươn lên xây dựng quê hương Bến Tre ngày càng giàu đẹp. Cho đến nay, có thể khẳng định, từ Đồng khởi năm 1960 đến “Đồng khởi mới” hiện nay là một dòng chảy lịch sử xuyên suốt, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai, trở thành truyền thống tốt đẹp của quê hương xứ Dừa, để Đồng khởi là thương hiệu, là danh xưng mà Bến Tre mãi mãi xứng đáng và tự hào.
Kỷ niệm 55 năm Ngày Bến Tre được tặng cờ danh dự thêu 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”. Các cấp ủy, các ngành, các ấp cần tăng cường các hoạt động tuyên tuyền, giáo dục tinh thần “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy” vào trong thực tiễn công tác, cuộc sống của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, thanh niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân, nhất là trong các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Đồng khởi mới” theo Chỉ thị số 01 của Tỉnh ủy, theo phương châm “Hai chân - Ba mũi” và “Xây dựng điển hình, học tập điển hình, bắt kịp điển hình, vượt qua điển hình”. Xác định phong trào thi đua Đồng Khởi mới của xã An Nhơn thi đua xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh toàn diện và xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu./.