Site banner
Thứ sáu, 20. Tháng 9 2024 - 5:27

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Vụ mùa mới của nông dân và vai trò của Hợp tác xã

An Nhơn là xã thuộc tiểu vùng III của huyện Thạnh Phú, với diện tích tự nhiên hơn 2.800 ha, trong đó có hơn 2.200 ha nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa. Nhắc đến An Nhơn phải kể đến Hợp tác xã Lúa - Tôm Thạnh Phú. Năm 2017, từ tiền thân là một tổ hợp tác, Hợp tác xã này được thành lập để sản xuất lúa sạch ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp và tập trung xây dựng phát triển nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú để tiếp cận các thị trường lớn. Mô hình lúa - tôm của Hợp tác xã được xem là hướng đi bền vững cho nông dân nơi đây và đang được xã nhân rộng. 

Ảnh lãnh đạo huyện đến thăm và làm việc với HTX Lúa- Tôm

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Lúa - Tôm Thạnh Phú là ông Hồ Văn Cương cho biết: Hợp tác xã hiện có 110 thành viên chuyên sản xuất theo mô hình lúa - tôm với diện tích khoảng 80 ha tại xã An Nhơn. Đối với con tôm và cây lúa đều hợp đồng cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm nên đầu ra ổn định. Năm 2024 này, Hợp tác xã dự tính sẽ ký hợp đồng với Công ty Hoa Nắng (chuyên kinh doanh lúa gạo xuất khẩu) để bao tiêu sản phẩm lúa ST25 sản xuất theo quy trình hữu cơ với giá 10.500 đồng đến 11.000 đồng/kg. Ngoài ra, thành viên còn sản xuất theo mô hình lúa sạch với các giống như: Đài Thơm 8, OM 4900, OM 6162, OM 5451, Nàng keo,…bán giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg nên hiệu quả khá cao.

Gia đình ông Hồ Văn Nhanh ngụ ấp An Hoà, xã An Nhơn là thành viên của Hợp tác xã, cho biết trước đây, gia đình ông chỉ làm lúa 01 vụ, còn những tháng mùa nắng thì bỏ không, chẳng thu hoạch được gì. Từ khi tham gia Hợp tác xã, toàn bộ diện tích gần 01 ha được gia đình ông đào đất xung quanh để làm bờ bao và chỉ chừa phần giữa ruộng để trồng lúa, còn lại thì nuôi thủy sản. Ông Nhanh cho biết: “Mô hình lúa - tôm của Hợp tác xã có tính bền vững do giữa con tôm, cua và cây lúa hỗ trợ cho nhau phát triển. Cả hai sản phẩm thủy sản và lúa đều bảo đảm sạch nên bán được giá cao hơn”.

Lúa sạch An Nhơn được công nhận chỉ dẫn địa lý, gạo sạch thì được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đang thực hiện các bước để cộng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, riêng gạo Nàng keo và Trà gạo lức đang thực hiện các bước để cộng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Ngoài ra, xã An Nhơn còn xây dựng được mô hình sản xuất lúa - tôm hữu cơ, cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Hiện tại, xã đang thực hiện 40 ha lúa theo Mô hình “Phát triển liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa canh tác theo hướng hữu cơ”, hỗ trợ 50% gia trị giống lúa và phân bón cho nông dân sản xuất lúa hữa cơ. Xã cũng đang phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, các ngành huyện và Công ty Hoa Nắng để chuẩn bị thành lập HTX Lúa hữu cơ Hoa Nắng, sau khi thành lập đi vào hoạt động ổn định sẽ phát huy tiềm năng lúa hữu cơ của xã.

Cánh đồng lúa- tôm hữu cơ xã An Nhơn

 Ngoài ra, trong xã còn có nhiều mô hình tổ hợp tác trong chăn nuôi như: 10 tổ hợp tác chăn nuôi bò - dê sinh sản, có 176 thành viên tham gia. Thời gian qua, xã An Nhơn đã có nhiều sự quan tâm và chủ trương nhằm tạo động lực cho kinh tế tập thể phát triển bền vững. Nhiều mô hình Hợp tác xã không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ vào việc phát triển kinh tế hợp tác với những bước tiến vững chắc đã giúp cho An Nhơn là xã có tỷ lệ hộ nghèo ít nhất huyện Thạnh Phú. Đời sống người dân nơi đây ngày một khấm khá, có nhà cửa khang trang; xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao vào đầu năm 2023 và đang nâng chất, xây dựng các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, đề nghị cấp trên kiểm tra công nhận vào đầu năm 2025.

Trường An